Bài viết của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trên báo The Japan Times 

chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam

 

VUI MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

TIN TƯỞNG TƯƠNG LAI QUAN HỆ ĐỐI TÁC SÂU RỘNG VIỆT NAM-NHẬT BẢN

 

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong suốt 70 năm qua, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, kiên cường vượt mọi khó khăn chống lại các thế lực áp bức, giữ gìn nền độc lập, tự do của dân tộc; giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước (năm 1975); hăng hái xây dựng đất nước, tích cực hội nhập và góp phần thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, tiến bộ trong khu vực và trên thế giới.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Từ một nền kinh tế thuộc địa bị bóc lột kiệt quệ, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chúng tôi đã vươn lên thành một trong những điển hình phát triển trên thế giới, trở thành đối tác năng động, ngày càng gắn bó và đáng tin cậy của tất cả các nước. Năm 2010, Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc đã nêu danh Việt Nam trong nhóm quốc gia có tiến bộ nhất về thu nhập; Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố Việt Nam thoát khỏi danh sách các nước thu nhập thấp và ca ngợi Việt Nam sớm đạt thành tựu này chỉ sau 25 năm đổi mới kinh tế. Thực vậy, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986, Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng bình quân 7,3%/năm trong nhiều năm, nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 20 lần, giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% năm 1993 xuống 1,9% năm 2014. 

Cùng với đời sống nhân dân được cải thiện to lớn, vị thế và vai trò quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Quan hệ thương mại quốc tế phát triển nhanh chóng, Việt Nam đứng trong nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. So với năm 1986, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đã tăng gần 170 lần; đưa sản phẩm tới 220 nước trên khắp thế giới. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất-nhập khẩu và đạt thặng dư thương mại (năm 2014 xuất siêu 2 tỷ USD). Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục tăng mạnh cả về tổng vốn, số dự án, và quy mô vốn/dự án…. Điều đó thể hiện chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là tích cực, được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Việt Nam vui mừng thấy rằng trong công cuộc phát triển của mình, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đã sớm được thiết lập và ngày càng được củng cố, phát triển. Quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và ngày càng mở rộng sang lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Giao lưu hợp tác giữa các cấp Chính phủ, Quốc hội, giữa các địa phương và giữa các tổ chức kinh tế- xã hội hai nước ngày càng gắn bó.  Hai nước cũng hợp tác rất chặt chẽ và tích cực trên các diễn đàn khu vực và quốc tế (như ASEAN+, ASEM, APEC, TPP…).

Việc hai nước chính thức coi nhau là “đối tác chiến lược” năm 2009 và thống nhất nâng quan hệ lên “đối tác chiến lược sâu rộng” năm 2014 thể hiện mức độ tin cậy chính trị rất cao giữa hai nước. Chỉ trong vòng hơn một năm qua, Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam đã lần lượt thăm chính thức Nhật Bản. Ngược lại, không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Abe đã chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng cuối năm 2012 và tháng Bảy vừa qua đã dành riêng thời gian để hội đàm và chiêu đãi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong. Điều đó cho thấy sự đồng thuận cao đến từ cả hai phía trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.

Về mặt kinh tế, Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất, đầu tư FDI và là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhiều công trình hạ tầng chiến lược của Việt Nam như cầu đường, sân bay, bến cảng, bênh viện… đã hoàn thành lên nhờ ODA và vốn đầu tư từ Nhật Bản, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế  và nâng cao đời sống nhân dân. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng trưởng mạnh và đều đặn (tăng 23 lần trong vòng 20 năm 1995-2014). Nhiều doanh nghiệp Nhật đang làm ăn có lãi tại Việt Nam và tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Xu thế này thúc đẩy ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam học tiếng Nhật và quyết tâm đi du học hoặc thực tập nghề nghiệp ở Nhật (năm 2014 đã có hơn 30.000 lưu học sinh và gần 40.000 thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản). Đây sẽ là những nhân tố thúc đẩy quan hệ thân thiện, tin cậy và lâu dài giữa hai nước.

Chứng kiến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước hiện nay, tôi tin tưởng rằng cùng với lịch sử giao lưu lâu đời và những nét văn hóa tương đồng giữa hai nước, với khả năng bổ sung hữu hiệu cho nhau về mặt kinh tế xã hội (Việt Nam có nguồn lao động trẻ và cần cù, thông minh, tài nguyên phong phú còn Nhật Bản có tích lũy to lớn về vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến) quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới sẽ không ngừng phát triển cùng có lợi, tin cậy và ổn định lâu dài theo đúng tinh thần “đối tác chiến lược sâu rộng”.

Trong niềm vui kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh của Việt Nam, tôi muốn gửi tới toàn thể Chính phủ và nhân dân Nhật Bản lời cảm ơn chân thành về những hỗ trợ và hợp tác quý báu của quý Quốc trong nhiều năm qua, và xin chúc quan hệ Việt-Nhật ngày càng phát triển vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của hai nước, của khu vực và thế giới.