1. Tình hình chung về đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam

Cho đến nay, Nhật Bản là một trong số các nhà đầu tư nước ngoài chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản được đánh giá là hoạt động hiệu quả, nghiêm túc, chấp hành tốt các quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong các năm qua, Nhật Bản luôn giữ tốc độ đầu tư cao, ổn định, luôn là 1 trong 2 quốc gia dẫn đầu về thu hút ĐTNN tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam được đánh giá là hoạt động có hiệu quả, công nghệ tốt. Đặc biệt, tác phong lao động và kỹ năng làm việc của doanh nghiệp Nhật Bản luôn được đánh giá cao về sự cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm.

Tính lũy kế đến hết giữa năm 2015, các nhà đầu tư Nhật Bản có 2.638 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 37,65 tỷ USD (chiếm 14,3% tổng số dự án và 14,6% tổng vốn đầu tư của Việt Nam), đứng thứ 2 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. 

Xét về lĩnh vực và ngành nghề đầu tư, các dự án của Nhật Bản chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (hiện Nhật Bản có 1353 dự án và 31,3 tỷ USD vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 83% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam). Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

2. Trọng tâm thu hút đầu tư của Nhật Bản trong giai đoạn tới

Trước hết thu hút đầu tư từ Nhật Bản giai đoạn tới tập trung 6 lĩnh vực ưu tiên như đã xác định trong Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt ngày 1/7/2013 gồm: Điện tử; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Công nghệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; Máy và thiết bị nông nghiệp; Ô tô và linh kiện ô tô.

Đặc biệt thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp trong nông nghiệp, chế biến nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản có công nghệ tốt đầu tư sang Việt Nam…Các doanh nghiệp này nằm chủ yếu ở các địa phương Nhật Bản

Tập trung thu hút đầu tư của Nhật vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế đặc biệt theo hình thức đối tác công tư PPP.

3. Cập nhật một số thông tin về đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đến nay

Tính đến tháng 8/2015, Nhật Bản có 2725 dự án FDI còn hiệu lực và  37,9 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 14,3% tổng số dự án và 14,2% tổng vốn FDI của Việt Nam), đứng vị trí thứ 2 sau Hàn Quốc. Quy mô vốn bình quân 1 dự án là 14,1 triệu USD/dự án, nhỉnh hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,9 triệu USD/dự án.

Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2015 các nhà đầu tư của Nhật Bản đã đầu tư  vào Việt Nam 195 dự án cấp mới và 84 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 720 triệu USD, xếp vị trí thứ 5 trong 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng.

Trong 18 chuyên ngành lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam thì lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 1.375 dự án với tổng số vốn đăng ký là 31,4 tỷ USD (chiếm 83,3% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn là 1,66 tỷ USD (chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 1,17 tỷ USD (chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác.

Nhật Bản đã đầu tư vào 49/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với 10 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 9,68 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư), trong đó dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có tổng vốn đầu tư tới 9 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hà Nội với 661 dự án, với với tổng vốn đầu tư  là 4,1 tỷ USD (chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư). Bình Dương đứng  thứ 3 với 248 dự án với tổng số vốn là 3,85 tỷ USD (chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các địa phương khác.

Cho đến nay, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, có sức cạnh tranh và hàm lượng kỹ thuật cao, trong đó, có nhiều sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tham gia tích cực vào xuất khẩu. Trong lĩnh vực hóa dầu có dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa, liên doanh giữa các đối tác Idemitsu Kosan Co., Ltd; Mitsui Chemicals, Inc của Nhật Bản; Kuwait Petroleum Europe B.V của Cô Oét và Tập đoàn dầu khí của Việt Nam; tổng vốn đầu tư ban đầu là 6,2 tỷ USD và đến nay dự án đã điều chỉnh tăng vốn lên 9 tỷ USD.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin-điện tử, có Hợp doanh giữa Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam với Tập đoàn NTT, Công ty sản xuất máy tính Fujitsu và các công ty Canon, Sony, Matsushita, Sumitomo, Sanyo. Trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy có Toyota, Honda, Isuzu, Suzuki và Mitsubishi. Nhật Bản là một  trong những quôc gia đầu tiên tham gia nhiều vào ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy ở Việt Nam. Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng cũng đã thu hút được các dự án lớn của Nhật Bản như Công ty xi măng Nghi sơn tại Thanh Hóa do Tập đoàn NM Cement liên doanh với Tổng Công ty xi măng Việt Nam, dự án sản xuất kính nổi tại Bắc Ninh của Tập đoàn Nippon Sheet Glass và Toyota Tsusho liên doanh với Công ty Viglacera.

Ngoài ra, đáng chú ý là cho đến nay các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng ba khu công nghiệp tại Việt Nam, gồm Khu công nghiệp Nomura (Hải phòng), Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) và Khu công nghiệp Long Bình (Đồng Nai).

FDI từ Nhật Bản có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đặt vấn đề công nghiệp hoá làm chiến lược hàng đầu. Có thể nói tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản được đánh giá là đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Tháng 7/2013, Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”  trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp: bao gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; và sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.  Với mục tiêu đưa 6 ngành này thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế, các ngành này sẽ giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản. Năm 2015, Nhật Bản cam kết tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược, đồng thời hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tham gia dự án Đại học Việt - Nhật.