Giới thiệu về các cơ sở giáo dục của Nhật Bản

1. Đại học

   Đại học quốc lập: Nhật Bản có 86 trường đại học quốc lập trên cả nước, chiếm 11% tổng số các trường đại học của Nhật Bản. Đại học quốc lập được thành lập với mục đích vừa đáp ứng yêu cầu của người dân về giáo dục và nghiên cứu ở bậc đại học, đồng thời nhằm nâng cao trình độ của giáo dục cấp cao và nghiên cứu học thuật của đất nước cũng như đảm bảo sự phát triển cân bằng. Các trường quốc lập trước đây là cơ sở của nhà nước song từ năm 2004, các trường quốc lập chuyển sang cơ chế tự chủ nhằm phát huy thế mạnh và đặc điểm riêng của mỗi trường.

   Đại học công lập: do chính quyền địa phương thành lập và quản lý nhằm mục đích cung cấp cơ hội giáo dục cấp cao ở địa phương, đóng vai trò là trung tâm tri thức, văn hóa của địa phương. Đại học công lập được kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển của kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương. Số trường công lập hiện nay là 92 trường, chiếm 12% tổng số các trường đại học ở Nhật Bản.

   Đại học dân lập: khác với các trường đại học quốc lập và công lập do nhà nước hay chính quyền địa phương thành lập, đại học dân lập là đại học được thành lập dựa vào nguồn tài trợ của các cá nhân. Đại học dân lập coi trọng tính tự chủ trong điều hành, mang phong cách riêng thể hiện phương châm giáo dục của người sáng lập nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo được tính chất công ích. Hiện nay Nhật Bản có 603 trường đại học dân lập, chiếm 77% tổng số trường đại học trong cả nước.

2. Cao đẳng

   Khác với các trường đại học đào tạo 4 năm, trường cao đẳng là cơ sở giáo dục cấp cao ngắn hạn với thời gian đào tạo 2 hoặc 3 năm. Trường cao đẳng là cơ sở đào tạo các nghề gắn với nhu cầu thực tế của địa phương như giáo viên mầm non, nhân viên dinh dưỡng, nhân viên chăm sóc phúc lợi. Sinh viên các trường cao đẳng phần đông là nữ.

3. Trường trung cấp chuyên nghiệp (trường Kosen)

Là một loại hình cơ sở giáo dục cấp cao, trường trung cấp chuyên nghiệp có mục tiêu đào tạo các kỹ sư có năng lực thực hành và năng lực sáng tạo. Trường trung cấp chuyên nghiệp là loại hình liên cấp, có thời gian đào tạo 5 năm dành cho học sinh học hết phổ thông cơ sở. Chương trình học đảm bảo cân đối giữ khối kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên nghiệp. Học sinh tốt nghiệp trường trung cấp chuyên nghiệp có thể đi làm hoặc học chuyển tiếp vào năm thứ 3 đại học. Lưu học sinh có thể học chuyển tiếp vào năm thứ 3 của trường trung cấp chuyên nghiệp. Hiện nay có 57 trường trung cấp chuyên nghiệp trên toàn nước Nhật.

5. Trường dạy nghề (trường Senmon)

Trường dạy nghề là cơ sở giáo dục cấp cao quan trọng thứ hai sau đại học với mục đích trang bị kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn trình độ cao. Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng theo học tại các trường dạy nghề để có được chứng chỉ nghề. Trường dạy nghề có các khóa học 2 năm và 4 năm, tốt nghiệp khóa 2 năm có thể chuyển tiếp sang các trường đại học và tốt nghiệp khóa 4 năm có thể học tiếp cao học. Hiện nay có khoảng 2800 trường dạy nghề trên khắp nước Nhật.

6. Các trường dạy tiếng Nhật

   Trường dạy tiếng Nhật là các cơ sở giảng dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài. Đứng ra thành lập trường tiếng Nhật có thể là một pháp nhân trường học, pháp nhân công ích, công ty cổ phần, các tổ chức hay cá nhân. Mục đích của các trường dạy tiếng Nhật được chia thành: học tiếng Nhật thông thường, học tiếng Nhật để học lên cao ( điều kiện đã hoàn thành 12 năm phổ thông), học dự bị để vào các trường đại học ( hoàn thành 10 hoặc 11 năm phổ thông). Trường dạy tiếng Nhật có các khóa học từ một năm đến 2 năm.

Có thể tìm kiếm thông tin chi tiết về các trường tiếng Nhật tại địa chỉ website:

http://www.nisshinkyo.org/search/

Tình hình Lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản

 Chú thích: số liệu do Cơ quan hỗ trợ sinh viên Nhật Bản JASSO thống kê tính đến thời điểm 1 tháng 5 hàng năm

 

Những điều lưu học sinh cần chú ý trong sinh hoạt tại Nhật Bản

1. Thẻ lưu trú có thể được sử dụng để thay thế cho Chứng minh thư. Người có thẻ lưu trú có nghĩa vụ mang theo và xuất trình thẻ lưu trú. Nếu rời khỏi Nhật Bản trong thời gian dưới 1 năm thì khi quay lại Nhật Bản, chỉ cần xuất trình thẻ lưu trú và hộ chiếu là có thể tái nhập cảnh.

2. Tham gia bảo hiểm sức khỏe vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ đối với người nước ngoài. Việc tham gia bảo hiểm được tính từ thời điểm đến Nhật Bản. Người tham gia bảo hiểm sức khỏe chỉ phải trả 30% phí điều trị, 70% còn lại sẽ do bảo hiểm chi trả.

3. Không được phép cho người khác thuê lại nhà hay rủ người khác đến ở cùng khi không có sự cho phép của chủ nhà. Khi muốn cho người thân hoặc bạn bè ở cùng phòng dù là thời gian ngắn cũng phải xin phép và nhận được sự đồng ý của chủ nhà.

4. Thực hiện nghiêm túc cách vứt rác, đổ rác là bước đầu tiên trong cuộc sống sinh hoạt tại Nhật. Rác thải từ gia đình nếu không được phân loại đúng cách, không được để đúng chỗ, đúng ngày giờ thì xe chở rác sẽ không xử lý.

5. Sau 10 giờ đêm, chú ý giữ yên lặng, không gây ồn. Chú ý những việc như đóng mở cửa, lên xuống cầu thang, giảm âm thanh của ti vi, khi nghe đài hay nghe đĩa cần đeo tai nghe, không sử dụng những vật dụng gây tiếng ồn lớn như máy giặt, máy hút bụi vào ban đêm. Khi tụ họp đông người sau 10 giờ đêm, chú ý nói nhỏ để không ảnh hưởng đến những người xung quanh.

6. Ở Nhật, để chống nạn mất cắp, xe đạp được đăng ký trước. Không được sử dụng những chiếc xe đạp bỏ đi để ngoài đường vì khi bị cảnh sát điều tra, bạn có thể trở thành người ăn cắp xe đạp.

7. Người có tư cách lưu trú du học nếu được cấp giấy phép đi làm thêm thì cũng phải tuân thủ quy định về thời gian đi làm như sau: không quá 28 tiếng 1 tuần, trong những kỳ nghỉ dài ngày không quá 8 tiếng 1 ngày. Không được làm việc ở những tụ điểm kinh doanh không lành mạnh. Cho dù là đi làm thêm, không được tự ý nghỉ làm hoặc đi muộn.

8. Việc xin kéo dài thời hạn lưu trú có thể được thực hiện trước khi hết hạn lưu trú 3 tháng. Nếu tỷ lệ đi học thấp mà không có lý do chính đáng sẽ bị đánh giá là không tập trung học hành và có thể không được cho phép kéo dài thời gian lưu trú cũng như thay đổi tư cách lưu trú.

9. Hãy cố gắng kết bạn với người Nhật cho dù mất nhiều thời gian. Hãy thử tham gia các hoạt động giao lưu trong trường và gần nơi ở.vì đó là cơ hội để tìm hiểu về văn hóa cũng như sinh hoạt của người Nhật.

10. Hãy giữ liên lạc với bạn bè và các anh chị đi trước vì có thể sẽ có lúc bạn gặp khó khăn cần đến sự giúp đỡ. Hãy tham gia nếu trong trường có hội lưu học sinh.

Nội dung chi tiết về hướng dẫn sinh hoạt tại Nhật xin tham khảo website http://www.jpss.jp/vi/life/

Giới thiệu về Hội sinh viên Việt Nam tại các trường Đại học Nhật Bản

 

HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI TSUKUBA

Thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản được biết đến với tên gọi thành phố khoa học, là nơi tập trung nhiều viện nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản. Từ năm 2004, Đại học Tsukuba bắt đầu tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế với các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện, các sở ban ngành khoa học Việt Nam. Việc ký kết hợp tác này dẫn đến số lượng sinh viên Việt Nam sang sinh sống và học tập tại Tsukuba gia tăng, đặc biệt là năm 2010 có sự tăng vượt bật với tổng số sinh viên lên đến 58, hình thành cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Tsukuba và sự phát triển của phong trào sinh viên Việt Nam tại thành phố khoa học này. Với sự phát triển về số lượng và phong trào hoạt động của du học sinh Việt Nam tại Tsukuba, năm 2011, Hội sinh viên Việt Nam tại Tsukuba (HSV VN-Tsukuba) được thành lập, là tổ chức tập hợp các sinh viên, nghiên cứu sinh, Việt Nam đang sống và học tập tại các trường, viện nghiên cứu thuộc thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Hoạt động của Hội nhằm tạo môi trường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống, học tập và nghiên cứu, đại diện cho những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của du học sinh Việt Nam tại Tsukuba cũng như là cầu nối giữa du học sinh Việt Nam với Ban giám hiệu nhà trường và các tổ chức, hội sinh viên khác tại Nhật.

Du học sinh Việt Nam là những người sống xa quê nên hầu hết luôn có nhu cầu có được một cộng đồng người Việt để chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau nơi đất khách. Do đó, bên cạnh các hoạt động học tập như sinh hoạt chuyên đề, nhóm học thuật, trọng tâm của HSV VN-Tsukuba là các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đời sống tinh thần, vật chất. Đối với các sinh viên mới, HSV luôn chủ động liên lạc, hỗ trợ đời sống bước đầu tại Tsukuba như thông tin chỗ ở, hỗ trợ các vật dụng gia đình, phương tiện đi lại, là cầu nối giới thiệu các bạn sinh viên mới với cộng đồng người Việt tại Tsukuba. Với các sinh viên đã và đang học tập tại Tsukuba, HSV luôn quan tâm, hỗ trợ những khi cần thiết. Các hoạt động có thể từ đơn giản, mang tính chất cá nhân như thăm hỏi khi đau ốm, hỗ trợ dọn nhà, xin việc, thông tin học bổng, đến tập thể như dã ngoại, thể thao hay quy mô cộng đồng như Tất niên, Tết nguyên đán dành cho cộng đồng Việt tại Tsukuba. Một điểm khá đặc biệt so với phong trào sinh viên trong nước, HSV ở nước ngoài còn có những hoạt động dành cho các đối tượng sinh viên đã có gia đình. HSV Tsukuba cũng có những hoạt động đặc thù như thăm hỏi và tặng quà các gia đình có thành viên mới nhân dịp các bé đầy tháng, hay hoạt động làm lồng đèn, tổ chức Tết Trung thu dành cho thiếu nhi là con em của những gia đình Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Tsukuba.

Không chỉ hỗ trợ du học sinh Việt Nam tại Tsukuba trong đời sống và học tập, HSV VN-Tsukuba còn có những hoạt động hướng đến sinh viên trong nước cũng như quảng bá với các sinh viên quốc tế. Với sinh viên trong nước, cùng với Ban giám hiệu ĐH Tsukuba, HSV VN-Tsukuba hằng năm đều về các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam giới thiệu các thông tin học bổng cũng như việc học tập, nghiên cứu và đời sống của du học sinh Việt Nam tại Tsukuba. Ngoài ra, HSV còn giải đáp những thông tin thắc mắc, tư vấn xin học bổng cho các bạn sinh viên trong nước qua các phương tiện liên lạc như email, trang facebook. Với sinh viên quốc tế, HSV VN-Tsukuba thường quảng bá văn hóa, ẩm thực, du lịch Việt Nam thông qua các gian hàng tại lễ hội trường. Các hoạt động này luôn được đầu tư thực hiện nghiêm túc và gây được nhiều ấn tượng đẹp, thiện cảm về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.