Việt Nam năm nay giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Hội chợ. Tới tham dự Hội chợ còn có Công chúa Nhật Bản Hitachi, Chủ tịch ALFS Haruko Komura, phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản kiêm chủ tịch của hội chợ Hoàng Thị Minh Hà, cùng Đại sứ, Phu nhân Đại sứ của 19 nước châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam đóng góp 2 gian hàng về thủ công mỹ nghệ, ẩm thực và các chương trình biểu diễn văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc như múa nón, độc tấu đàn bầu, ca nhạc truyền thống...

Với số lượng lớn người xem và mua hàng, 2 gian hàng của Việt Nam tại hội chợ gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và ẩm thực truyền thống đã trở thành tâm điểm của hội chợ. Dự kiến tổng số tiền đóng góp của Việt Nam cho ALFS thông qua bán vé và bán hàng sẽ khoảng hơn 2 triệu Yên (khoảng hơn 400 triệu đồng). Đây là số tiền cao nhất trong số các nước tham gia hội chợ và chỉ sau nước chủ nhà Nhật Bản.

Gian hàng của Việt Nam được đông đảo người thăm quan.

Hội chợ từ thiện của ALFS năm nay dự kiến thu được từ 22 đến 23 triệu Yên (khoảng 4,5 -4,7 tỉ đồng), mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Số tiền này sẽ được chia đều cho các nước tham gia để làm từ thiện tại nước mình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn.

Với số tiền được ALFS chia lại sau sự kiện, Đại sứ quán Việt Nam dự định sẽ dùng một nửa  để phối hợp cùng Tổ chức Thân Thiện Quốc Tế Nhật Bản (JIFA) hỗ trợ xây hệ thống nước sạch cho một trường phổ thông ở Hà Tĩnh. Phần còn lại sẽ phối hợp cùng Quĩ Hiểu về trái tim hỗ trợ các cháu là nạn nhân của chất độc màu da cam ở miền Trung.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc của Việt Nam tại hội chợ.

Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời là chủ tịch của hội chợ Hoàng Thị Minh Hà cho biết đây là một cơ hội rất lớn đối với Việt Nam để quảng bá về đất nước, con người. Mặt khác thông qua sự kiện này, Việt Nam cũng có thể học hỏi rất nhiều từ các bạn Nhật, cũng như những nước khác trong quá trình làm việc vừa qua.

Bà Hoàng Thị Minh Hà đánh giá hội chợ từ thiện của ALFS là một trong những hoạt động mang tính truyền thống, đã được tổ chức trong 41 năm qua và được sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, gia đình hoàng gia Nhật Bản, cùng 26 Đại sự quán có mặt tại Tokyo. Do đó có thể nói đây là một hoạt động ngoại giao nhân dân lớn và quan trọng hơn sự kiện đã nâng cao vai trò của người phụ nữ.

Hội phụ nữ Châu Á - Thái Bình Dương (ALFS) ra đời 49 năm trước, là sáng kiến của Phu nhân cựu Ngoại trưởng Nhật Bản lúc đó, bà Mutsuko Miki. Ban đầu các nước thành viên tập trung ở khu vực Châu Á, sau mở rộng thành 26 nước thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, ALFS có khoảng 400 thành viên, chủ yếu là phu nhân của các chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản, các nữ đại sứ và phu nhân đại sứ, cùng các cán bộ nữ thuộc 25 Đại sứ quán khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có mặt tại Tokyo./.