Tham dự Lễ khai mạc có nhà sáng lập Lễ hội Việt Nam, Cựu Quốc vụ khanh Ngài Matsuda Iwao, Trưởng Ban tổ chức phía Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, ông  Huỳnh Vĩnh Ái, Chủ tịch Đảng Công Minh, Thượng nghị sĩ ông Yamaguchi Natsuo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Hạ nghị sỹ, Ngài Kikawada Hitoshi, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, Hạ nghị sỹ Tomioka Tsutomu, Thứ trưởng Bộ Môi trường Kobayashi Masaaki, Đại diện Đại sứ quán một số nước tại Nhật Bản, cùng hàng ngàn người Nhật Bản, người Việt Nam và 1 số nước đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

 

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ 9 khai mạc tại công viên Yoyogi ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản

Mở đầu Lễ khai mạc, Nhà sáng lập Lễ hội Việt Nam, Cựu Quốc vụ khanh Ngài Matsuda Iwao đã nêu bật ý nghĩa của Lễ hội trong suốt chặng đường 9 năm qua, khẳng định Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã trở thành sự kiện đáng nhớ của nhiều người dân Nhật Bản. Ông cũng hy vọng Lễ hội sẽ tiếp tục lâu dài đóng góp chung vào tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.

 Thay mặt Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái thể hiện sự vui mừng chứng kiến mỗi năm Lễ hội Việt Nam lại càng thêm phần khởi sắc, cho rằng những sắc màu đa dạng của Lễ hội chính là biểu tượng cho tình hữu nghị và sự hợp tác ngày càng phát triển giữa hai đất nước sau 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với những thành tựu hợp tác to lớn trên hầu hết các lĩnh vực. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại Lễ khai mạc.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói: « Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, mỗi một tiết mục nghệ thuật, mỗi sản phẩm văn hoá, mỗi món ăn và mỗi con người Việt Nam – Nhật Bản có mặt trong Lễ hội năm nay sẽ là một sứ giả văn hoá, sứ giả hữu nghị gắn kết hai dân tộc chúng ta, đưa quan hệ hai nước xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á mà Lãnh đạo hai nước đã cam kết. » 

Tham gia vào Lễ hội lần này, bạn bè Nhật Bản và quốc tế ngoài việc được thưởng thức những món ăn ngon truyền thống của Việt Nam, mua sắm những đồ thủ công mỹ nghệ, lần đầu tiên sẽ  được xem không gian triển lãm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây có thể coi là điểm nhấn của  Lễ hội lần này.

Trong suốt lễ hội, các nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc, mang đậm hồn Việt và phong cách Nhật Bản. Các ca sĩ Uyên Linh, Trang Pháp… của Việt Nam sẽ tham gia biễu diễn tại Lễ hội.

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ 9 có khoảng hơn 110 gian hàng, bao gồm quầy ẩm thực và các gian trưng bày hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ. Khách tham quan có cơ hội được thưởng thức các hương vị ẩm thực của Việt Nam, các chương trình văn hóa, âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

Quang cảnh Lễ hội

Theo Ban tổ chức, Lễ hội năm nay thu hút khoảng 200.000 người tham dự, tương đương với số người tham gia Lễ hội Việt Nam năm 2015.

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 như một sự kiện kỷ niệm 35 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, qua năm 2013 kỷ niệm 40 năm, sang đến năm nay đã là năm thứ 9.

Lễ hội mỗi năm là dịp để giới thiệu và trải nghiệm một "Việt Nam hôm nay", sống động như chính tại Việt Nam, với các vật phẩm thủ công mỹ nghệ và loại hình nghệ thuật biểu diễn tiêu biểu cho văn hóa truyền thống Việt Nam như "áo dài" hay ẩm thực vốn đã được công chúng Nhật Bản đón nhận và đánh giá cao lâu nay, những tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ mới đang được yêu chuộng ở cả hai nước, hàng loạt món ăn ngon và bổ dưỡng của Việt Nam lại phù hợp với khẩu vị của người Nhật.

Viet Nam Festival 2016 năm nay sẽ tiếp tục là nơi giao lưu và giới thiệu về nền văn hóa đa dạng của Việt Nam, thông qua ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc và du lịch, nhằm mang đến cho quý vị và các bạn thật nhiều trải nghiệm phong phú về Việt Nam.

Ca sĩ Uyên Linh biểu diễn tại sự kiện.

Đến với lễ hội, khách tham quan ngoài việc được thưởng thức những món ăn truyền thống Việt Nam như phở, nem, bún, bún chả… mua sắm nhiều hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, còn được đã tai đã mắt với những tiết mục văn nghệ của nghệ sĩ Nhật Bản, Việt Nam trình diễn. Những tiết mục của ca sĩ Uyên Linh, Trang Pháp, Microwave đến từ Việt Nam đã làm cho không khí lễ hội thêm sự gắn kết.

 

Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Nhật Bản đã đắm mình trong lễ hội.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Hạ nghị sỹ, Ngài Kikawada Hitoshi có lẽ là lần đầu tiên chứng kiến lễ hội. Ông có dáng cao lớn, nhưng khi đội chiếc nón lá Việt Nam, tay gảy đàn Bầu, ai cũng thấy ông rất gần gũi và thú vị. Những gì tái hiện tại lễ hội, chỉ là phần rất nhỏ, cực nhỏ trong cái mênh mang của văn hóa Việt cũng đã khiến Ngài Thứ trưởng thích thú. Nếu như được nhìn nhiều hơn, chắc hẳn ông cũng sẽ rất say văn hóa Việt Nam.

 

Ca sĩ Trang Pháp.

Chủ tịch đảng Công Minh, ông Yamaguchi Natsuo là người gắn bó với Việt Nam, có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước. Với ông, văn hóa Việt Nam có nhiều nét đặc sắc. Do vậy, lễ hội Việt Nam đã có chỗ đứng trong lòng người dân Nhật Bản. Đến với lễ hội có thể cảm nhận được cả những điểm giống nhau và khác nhau, nhưng đó là những tấm chân tình dành cho nhau

 

Bản thân ông cũng lấy làm vui mừng khi thấy lễ hội ngày càng một đông vui. Với ông, quan hệ hai nước không chỉ ở lĩnh vực công nghiệp, kinh tế mà thông qua giao lưu văn hóa, thông qua âm nhạc, thông qua những món ăn, những lễ hội…sẽ làm cho sự gắn kết giữa nhân dân hai nước ngày càng tốt đẹp.

Một người không thể không nhắc tới đó là ông Matsuda Iwao-nhà sáng lập Lễ hội Việt Nam, Cựu Quốc vụ khanh Nhật Bản. Hình ảnh của ông gắn với hình ảnh của Việt Nam. Năm nay mặc dù sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều, nhưng trái tim vẫn đủ khỏe mạnh để đến với lễ hội, với một khát khao lễ hội sẽ tiếp tục lâu dài như sự kết nối các thế hệ người Việt Nam với Nhật Bản bằng một tình cảm nồng ấm và chân tình. 

Lần đầu tiên tại lễ hội có gian ẩm thực chay của Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan. Theo nhà sư Thích Tâm Trí toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đồ chay sẽ đem ủng hộ nạn nhân Nhật Bản chịu thảm họa động đất tại Kumamoto, người Việt có hoàn cảnh khó khăn tại Nhật Bản…

Lễ hội có những dấu ấn mới thể hiện lễ hội không chỉ đơn thuần là để vui, để quảng bá văn hóa, gặp gỡ bạn bè mà còn là nơi gom tụ tình nhân ái không phân biệt giàu nghèo hay khác biệt văn hóa. Mỗi một phần ăn như một nốt nhạc tạo nên bản bản tình ca không lời, xoa dịu nỗi đau, nỗi mất mát của ai đó không may mắn, kệ cho ai là người Nhật Bản, hay người Việt Nam, hay một chàng thanh niên da đen Nepal nơi đất Nhật.

Và lời hát giữa ca sĩ Việt Nam và Nhật Bản trong ca khúc “Người hát tình ca” không còn là lời hát, giai điệu da diết đơn thuần, mà là tình cảm gần gũi thân thương của những người Việt Nam đã từng yêu Nhật Bản và những người Nhật Bản đã từng yêu Việt Nam:

 Bài ca đó là em,

Thấy trong lòng da diết hơn!

Tôi muốn đốt lời ca,

Khi tâm hồn đang cháy lên.

 

Em hãy tới gần hơn,

Để em còn trông thấy tôi.

Người đang say vì em,

Câu tình ca còn mãi,

Của riêng em...

Hai ngày của lễ hội hình như không đủ nối dài cho những niềm vui, sự mong đợi của các bạn Nhật Bản và cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản đã mong chờ trong cả một năm. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã trở thành những khoảnh khắc đủ để vui, đủ để nhớ cho mỗi người tham gia vào lễ hội./.

 Nhóm phóng viên tại Tokyo